Quản đạo Đà Lạt Trần_Văn_Lý

Ông giữ chức Quản đạo Đà Lạt (tương đương Chủ tịch Thành phố) từ năm 1926 đến 1935. Trong thời gian này, Đà Lạt có sự phát triển nhanh chóng.

Ban đầu một hội đồng thị xã gồm 4 người (2 Pháp, 2 Việt Nam) được khâm sứ Trung Kỳ chỉ định giúp việc cho đốc lý. Đến năm 1930, thị xã Đà Lạt đã có dáng dấp của một thành phố và hội đồng thị xã, hội đồng thị xã được tăng lên 9 người (6 Pháp, 2 Việt Nam và 1 Hoa). Đây là thời kỳ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tương đối lớn. Đà Lạt đã có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để phát triển. Bộ máy hành chính của người Pháp và cơ sở hạ tầng đến giai đoạn này được xây dựng gần như đầy đủ: hệ thống giao thông đường bộ từ Sài Gòn, Phan Thiết, Phan Rang được hoàn tất, kể cả đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt (1932).

Năm 1933, một chương trình chỉnh trang mới đã được kiến trúc sư Pineau thiết lập theo một quan điểm thực tế hơn. Pineau cố gắng bảo tồn các thắng cảnh và đã dự trù nhiều khoảng đất trống. Phía bắc được mở ra cho dân cư đến sinh sống. Theo đồ án này, thị xã bao quanh hồ từ phía tây đến phía đông bắc. Hầu hết những nét chủ đạo của chương trình này đã được giữ lại trong chương trình 1943. Hệ thống điện, nước, bệnh viện, chợ,... cũng đã được xây cất. Việc mua bán, sang nhượng cũng như thầu khoán trong xây dựng dễ dàng, nên khá nhiều công trình lớn được mọc lên trong giai đoạn này.

Năm 1927, xây dựng thêm một nhà máy điện mới. Năm 1932, đường bộ Đà Lạt trực tiếp nối với Sài Gòn đi ngang qua đèo Blao bắt đầu khai thông. Năm 1935, khánh thành trường Lycée Yersin. Năm 1936, thành lập Viện Pasteur.[1]

Đà Lạt lúc đó là một vùng non sông cẩm tú, khí hậu ôn hòa nhưng thưa vắng người cư trú. Nhận thấy Đà Lạt là một vùng khí hậu mát mẻ, còn nhiều đất hoang chưa được khai phá và nhu cầu rau quả tươi sống của người Pháp ngày càng tăng lên là điều kiện để mở mang nghề trồng rau và hoa ở đây. Ông đã nêu sáng kiến về việc lập ấp trồng rau và hoa tươi cung cấp tại chỗ cho người Pháp tại Đà Lạt. Ông đã đề nghị Tổng đốc Hà Đông kiêm Chủ tịch Uỷ ban Tương tế trung ương Bắc Kỳ Hoàng Trọng Phu cho di dân từ ngoài Hà Đông vào xứ Đà Lạt để lập ấp trồng hoa và rau xanh. Tháng 5.1938, hơn 30 người là cư dân tỉnh Hà Đông từ các làng Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo và Vạn Phúc đã có mặt tại Đà Lạt. Nhóm người này hình thành nên ấp Hà đông, tạo tiền đề cho nghề trồng rau hoa tại Đà Lạt sau này. Từ năm 1941, ấp Hà Đông bắt đầu làm ăn phát đạt nhờ nghề trồng hoa và rau cải nầy. Cuối năm 1941, có tất cả 28 gia đình ở ấp Hà Đông, tổng số 100 nhân khẩu. Sau đó khi ông Phạm Khắc Hòe kế nhiệm làm Quản đạo cũng lập ấp Nghệ Tĩnh.[2]

Dân số Đà Lạt tăng nhanh, đến năm 1939, lên đến 11.500 người, cư dân người Kinh tăng nhanh: 25.000 người (1944). Họ là những người phu làm đường, phu đồn điền, thợ xây dựng ở lại định cư tại Đà Lạt.[1]